Hướng dẫn xử lý thuế cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị mất mát, tổn thất. Vào ngày 14/12/2017, Tổng cục Hải quan đã có công văn mới số 8155/TCHQ-TXNK về việc xử lý thuế đối với nguyên liệu bị hỏa hoạn.

Theo như công văn tập trung chủ yếu vào hai nội dung chính: Các chính sách thuế liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị hỏa hoạn, mất mát, tổn thất và Quy định liên quan đến cấp Giấy chứng nhận giám định tổn thất.
Trong công văn cũng quy định rõ các quyết định, thông tư, điều khoản liên quan đến vấn đề này để áp dụng, thi hành; đồng thời trách nhiệm triển khai của các đơn vị.
Nội dung cụ thể như sau:
1. Chính sách thuế
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nếu bị hư hỏng, mất mát, thiên tai, hỏa hoạn trong quá trình giám sát của cơ quan Hải quan thì sẽ được xử lý (theo quy định tại Điều 14 Nghị định 87/2010/NĐ-CP và Điều 111 Thông tư 38/2015/TT-BTC) như sau:
- Được xét giảm thuế tương ứng với tỷ lệ tổn thất thực tế
- Số lượng hàng hóa bị tổn thất thực tế được giảm thuế: được xác định trong Giấy chứng nhận giám định do thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp (có quy định trong Thông tư 38/2015/TT-BTC tại điểm c khoản 2 Điều 112)
2. Quy định liên quan đến cấp Giấy chứng nhận giám định tổn thất
Để có thể cấp Giấy chứng nhận giám định tổn thất thì thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định phải đạt các yêu cầu sau:
- Phải đạt đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, phải thành lập DN theo quy định pháp luật.
- Có giám định viên đạt tiêu chuẩn (Điều 259 Luật thương mại số 36/2005/QH11)
- Quy trình giám định hàng hóa, dịch vụ phải theo quy định pháp luật và tiêu chuẩn quốc tế hoặc đã được áp dụng phổ biến ở các nước.
- Phạm vi: các lĩnh vực giám định đáp ứng 2 điều kiện trên.
- Quyền và nghĩa vụ về:
+ Chấp hành quy định và tiêu chuẩn của pháp luật
+ Độc lập, trung thực, khách quan, kịp thời và đúng quy trình, đúng phương pháp
+ Cấp Giấy chứng nhận giám định theo tiêu chuẩn cho khách hàng
+ Trả tiền phạt, bồi thường thiệt hại nếu có phát sinh (Điều 226 Luật thương mại số 36/2005/QH11)
- Nếu thành lập DN là thương nhân nước ngoài thì:
+ Phải theo quy định pháp luật về đầu tư ở Việt Nam và phù hợp với các Điều ước quốc tế (nếu Việt Nam là thành viên)
+ Phạm vi: được phép giám định và cấp Giấy chứng nhận giám định theo ngành nghề trong đăng ký kinh doanh (hoặc giấy tờ tương đương).
- Quy định về Giấy chứng nhận giám định:
+ Là văn bản với các nội dung phía khách hàng yêu cầu, có: tình trạng thực tế của hàng hóa, dịch vụ
+ Phải có chữ ký, họ tên của người có thẩm quyền, giám định viên kèm đóng dấu nghiệp vụ (dấu đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền)
+ Phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả và kết luận giám định.
+ Phạm vi: chỉ có giá trị với các nội dung được giám định
Để tìm hiểu chi tiết, các bạn có thể tham khảo thêm tại văn bản gốc Công văn số 8155/TCHQ-TXNK ngày 14/12/2017 của Tổng cục Hải quan về việc xử lý thuế đối với nguyên liệu bị hỏa hoạn.